Việc thu hồi đất được thực hiện theo các quy định của pháp luật để đảm bảo công bằng và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất, hầu hết người dân đều đồng ý giao lại đất của mình. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người sử dụng đất không đồng ý với giá đền bù và phương án bồi thường nhà nước đưa ra.
Thu hồi đất là gì?
Tại khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024 giải thích việc nhà nước thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý.
Trong mọi trường hợp thu hồi đất nhà nước phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục và bồi thường công bằng nhằm bảo đảm quyền và lượi ích họp pháp cho người dân bị thu hồi đất.
Các trường hợp nhà nước thu hồi đất
Trường hợp nhà nước thu hồi đất được quy định từ Điều 78 đến Điều 82 luật Đất đai 2024, gồm 4 trường hợp sau:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng của con người, không có khả năng tiếp tục sử dụng.
Trường hợp người dân không đồng ý với mức bồi thường
Theo khoản 6 Điều 87 luật Đất đai 2024 quy định về trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà người có đất thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp thì thực hiện như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong thực hiện;
- Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không đồng ý hoặc không phối hợp thực hiện thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất.
Khoản 7 Điều này cũng quy định, trong trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bàn giao đất cho đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
- Việc tổ chức vận động, thuyết phục được tiến hành trong thời gian 10 ngày và phải được thể hiện bằng văn bản. Quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi vẫn không chấp hành việc bàn giao đất thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.
Có thể thấy, mặc dù người dân có quyền yêu cầu đàm phán và thỏa thuận mức bồi thường nhưng trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, Nhà nước vẫn có quyền thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, nhà nước có thể cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.
Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải được thực hiện theo quy định tại Điều 89 Luật Đất đai 2024 theo nguyên tắc sau:
- Tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính;
- Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và đối tượng khác có liên quan đến khu đất thu hồi.
Tóm lại, việc nhà nước hoàn toàn có quyền thu hồi đất khi người dân không đồng ý bồi thường nhưng phải thực hiện đúng các quy trình thủ tục pháp lý giúp đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích phát triển chung của xã hội và quyền lợi hợp pháp của người dân.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-NQ-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 1900 6196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS 1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, TRUNG HOÀ, CẦU GIẤY, HÀ NỘI
CS 2: PHÒNG 1936, HH4C LINH ĐƯỜNG, KĐT LINH ĐÀM, HOÀNG MAI, HÀ NỘI