Người có nhu cầu mua đất vì một lý do nào đó như được chiết khấu, hay không muốn cho ai biết mà nhờ người khác thực hiện giao dịch và đứng tên trên sổ đỏ, tuy nhiên, họ lại không biết rằng, việc làm này của mình đang tiềm ẩn những rủi ro cho chính bản thân mình.
Sổ đỏ là từ mà người dân hay dùng để gọi tắt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất. Tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có quy định về Giấy chứng nhận như sau:
“16.Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, người đứng tên trên sổ đỏ là người được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất và người đó có các quyền sau đây (căn cứ Điều 166, 167 Luật Đất đai 2013):
- Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;
- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;
- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;
- Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình;
- Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai;
- Được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Có nghĩa rằng, khi bạn nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ đồng nghĩa với việc người đó là chủ sở hữu hợp pháp của bất động sản đó chứ không phải là bạn, mặc dù bạn là người bỏ tiền ra mua bất động sản đó. Dưới đây là một số trường hợp rủi ro mà người mua đất có thể gặp phải khi nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ:
- Trường hợp 1, người được nhờ đứng tên trên sổ đỏ không chịu sang tên, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên. Trong khi đó, chủ nhà thực sự sẽ không có quyền định đoạt bất động sản, dù nó được mua bằng chính nguồn tiền của mình. Mọi giao dịch liên quan đến bất động sản đó đều phải thông qua người đứng tên. Vậy khi người đó có ý định không tốt và không có thiện chí thì việc xảy ra tranh chấp là điều không thể tránh khỏi;
-Trường hợp 2, người được nhờ đứng tên trên sổ đỏ chết hoặc ly hôn.
Trong trường hợp người đó chết, phần tài sản thuộc sở hữu của người đó trở thành di sản và được chia cho các thừa kế;
Hay người này có quyền sử dụng đất trong thời kỳ hôn nhân mà sau đó ly hôn, thì phần bất động sản này sẽ được chia đôi cho vợ chồng khi ly hôn.
Như vậy, vấn đề đặt ra trong trường hợp này là chủ sở hữu thực sự sẽ phải chứng minh quyền sở hữu của mình với phần tài sản đó. Vấn đề xác minh và giải quyết sẽ rắc rối và tốn thời gian;
- Trường hợp 3, người được nhờ đứng tên hộ có nghĩa vụ phải thực hiện
Khi người được nhờ đứng tên có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và theo quyết định của Tòa án, tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ thì khi đó, quyền lợi của người chủ thực sự sẽ không được đảm bảo.
- Trường hợp 4, bên được nhờ đứng tên đã chuyển nhượng cho một người thứ ba
Trong trường hợp này, mặc dù bạn đã có cách phòng ngừa rủi ro bằng cách giữ lại bản chính Giấy chứng nhận, tuy nhiên, người được nhờ đứng tên có thể xin cấp lại Giấy chứng nhận do lý do nào đó, và thực hiện việc mua bán chuyển nhượng một cách dễ dàng. Khi bên thứ ba đã hoàn tất thủ tục sang tên thì bạn rất khó đòi lại bất động sản đó.
Ngoài ra, còn các trường hợp mà người nhờ đứng tên không thể lường trước được, việc bạn không trực tiếp đứng tên trên sổ đỏ tức là bạn đã bỏ qua quyền và sự bảo vệ của pháp luật. Vậy nên, nếu không muốn gặp rủi ro thì bạn nên là người trực tiếp đứng tên trên sổ đỏ, còn trong trường hợp đã thực hiện thì hai bên cần phải thỏa thuận được, khi đó hai bên thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để tài sản trở về thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người chủ thực sự. Nếu không thể thỏa thuận được, chủ sở hữu có thể khởi kiện đòi tài sản. Tuy nhiên, bắt buộc phải có đầy đủ bằng chứng chứng minh sổ đỏ thuộc quyền sở hữu của mình: lập những cam kết, thỏa thuận rõ ràng, giữ tất cả giấy tờ nhà bản chính, hóa đơn, chứng từ có thể chứng minh bạn là chủ sở hữu nhà thật sự để hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng rõ ràng, để đòi lại được tài sản thì sẽ mất khá nhiều thời gian, chi phí và công sức. Thậm chí nhiều người còn mất trắng tài sản đất đai của mình.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-DT-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 19006196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
TRỤ SỞ: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KHU ĐÔ THỊ LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.