Hiện nay, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp. Các hành vi như làm giả nhãn hiệu, sao chép phần mềm, sử dụng trái phép logo, tác phẩm… xuất hiện ở cả môi trường kinh doanh truyền thống lẫn thương mại điện tử. Điều này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
1. Thế nào là xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ?
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được các đối tượng thực hiện bằng các phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Xác định hành vi xâm phạm
Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:
1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.”
Ví dụ:
+ Dùng máy tính, phần mềm đo vẽ không có bản quyền.
+ Tác phẩm phái sinh khi chưa được sự cho phép của tác giả.
+ Một công ty sao chép bài viết, hình ảnh trên website của đơn vị khác để dùng làm tài liệu quảng cáo mà không xin phép.
Xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau:
Điều 204. Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
1. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
a) Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại;
b) Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.
2. Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.”
Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đơn thuần là sự mất mát về tài sản, mà còn là sự tổn hại đến danh tiếng, uy tín và cơ hội phát triển của chủ thể quyền. Theo quy định tại Điều 204 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, thiệt hại được xác định một cách toàn diện, bao gồm cả thiệt hại vật chất lẫn tinh thần, trên cơ sở các tổn thất thực tế và hợp lý mà người bị xâm phạm phải gánh chịu.
Việc xác định thiệt hại chính xác là cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền được bảo vệ công bằng, hiệu quả, đồng thời là chế tài răn đe đối với các hành vi xâm phạm. Trong quá trình xử lý, chứng cứ xác thực và đánh giá thiệt hại hợp lý sẽ đóng vai trò then chốt giúp cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định bồi thường đúng đắn và phù hợp với pháp luật.
3. Các biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ
Vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức bị xâm phạm mà còn liên quan đến việc quản lý kinh tế, an ninh xã hội của mỗi quốc gia. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ xâm phạm, hậu quả xâm phạm sẽ có các chế tài sau:
- Xử lý bằng biện pháp dân sự.
Căn cứ Theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
“Điều 202. Các biện pháp dân sự
Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
4. Buộc bồi thường thiệt hại;
5. Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.”
Biện pháp dân sự là công cụ pháp lý quan trọng giúp chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua Tòa án, không chỉ nhằm buộc người vi phạm chịu trách nhiệm mà còn góp phần răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội. Việc lựa chọn biện pháp phù hợp còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và thiệt hại thực tế. Đây là cơ chế đảm bảo công lý và thúc đẩy môi trường sáng tạo lành mạnh, công bằng.
- Xử lý bằng biện pháp hành chính.
Căn cứ Điều 211 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 27 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định:
“Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.”
Biện pháp hành chính là công cụ nhanh chóng, linh hoạt giúp Nhà nước kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thực tế thương mại, đặc biệt là trong các trường hợp hàng giả, hàng nhái tràn lan. Việc xử phạt nghiêm khắc không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền, mà còn bảo vệ người tiêu dùng, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
Ngoài ra đối tượng vi phạm còn phải khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP và Điều 214 luật sở hữu trí tuệ 2005. Các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu huỷ vật phẩm, hàng hoá vi phạm, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh, buộc phân phối hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.
- Xử lý bằng biện pháp hình sự. Biện pháp xử lý hình sự được áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở mức nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Khoản 79 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022: “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Hành vi xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả khi Không được phép của chủ thể quyền tác giả, mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm… xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại; thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại quyền tác giả, quyền liên quan… Và hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho chủ sở… theo Điều 225 và Điều 226 Bộ Luật Hình sự 2015.
Như vậy, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức mà còn làm xói mòn niềm tin người tiêu dùng, gây rối loạn trật tự thương mại và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật là yêu cầu cấp thiết nhằm:
+ Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ thể quyền;
+ Duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh;
+ Thúc đẩy sáng tạo và đầu tư vào sản phẩm trí tuệ tại Việt Nam.
Doanh nghiệp và cá nhân cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ và chủ động đăng ký bảo hộ để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình trước khi xảy ra tranh chấp.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-ĐH-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 19006196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, P.TRUNG HOÀ, Q.CẦU GIẤY, TP HÀ NỘI
CS2: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KĐT LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI