Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhất là mạng xã hội ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng ở mọi lứa tuổi. Ngoài những mặt tích cực mà mạng xã hội đem tới cho chúng ta thì nhiều cá nhân, tổ chức lại lợi dụng sự phổ biến của các trang mạng này để làm ra những hành vi trái pháp luật điển hình như việc làm nhục người khác trên mạng xã hội.
Thế nào là làm nhục người khác trên mạng xã hội?
Làm nhục người khác trên mạng xã hội có thể hiểu là hành vi xúc phạm, lăng mạ, vu khống hoặc công kích người khác trên các trang mạng như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Hành vi này có thể xuất phát từ những lời nói, hình ảnh, video hoặc các bài viết mang tính chất xúc phạm, làm tổn hại đến danh dự và nhân phẩm hoặc uy tín của người khác.
Hành vi này không chỉ gây tổn hại về mặt tinh thần mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân. Xét về góc độ pháp lý thì hành vi xúc phạm, lăng mạ, làm nhục người khác qua mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.
Xử lý đối với hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội
Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ quy định rõ cá nhân được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, cụ thể:
Theo khoản 1,2 Điều 34 BLDS 2015 quy định:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.”
Theo đó, người có hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội tùy theo mức độ, tính chất nghiêm trọng của vụ việc mà bị xử phạt về hành chính hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Theo khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội. Đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì tổ chức thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Đối với cá nhân có hành vi vi phạm như trên thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Không chỉ bị xử phạt về hành chính, nếu hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng tới nạn nhân và xã hội thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015. Người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tù. Cụ thể:
Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Đối với những hành vi như: Phạm tội từ 2 lần trở lên; Phạm tội đối với 2 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trường hợp hành vi của người phạm tội làm rối loạn tinh thần và hành vi của nạn nhân với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài việc bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho nạn nhân. Theo Điều 34 BLDS 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân như sau:
- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ;
- Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng;
- Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình và người khác, mỗi cá nhân cần sử dụng mạng xã hội một cách văn minh và có trách nhiệm. Ngoài ra, việc hiểu rõ các quy định pháp luật về hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội hết sức quan trọng giúp chúng ta bảo vệ quyền lợi của mình và tránh những hậu quả pháp lý không mong muốn.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-NQ-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 1900 6196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS 1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, TRUNG HOÀ, CẦU GIẤY, HÀ NỘI
CS 2: PHÒNG 1936, HH4C LINH ĐƯỜNG, KĐT LINH ĐÀM, HOÀNG MAI, HÀ NỘI