MỘT NGƯỜI KHÔNG ĐỒNG Ý CÓ CHIA THỪA KẾ ĐƯỢC KHÔNG? CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT?

Việc chia thừa kế liên quan đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác nên việc không tìm được sự đồng thuận là điều khó tránh khỏi. Vì thế mà, trong quá trình phân chia di sản, thường hay xảy ra tranh chấp khi các đồng thừa kế không tìm được tiếng nói chung, làm mất hòa khí gia đình. Và cũng dễ hiểu khi có người đồng thừa kế không đồng ý chia thừa kế, trường hợp như vậy thì có chia thừa kế được hay không? Và cách thức giải quyết tình huống này như nào?

 

Trên thực tế, không phải ai cũng có quyền không đồng ý với quyết định chia di sản thừa kế sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chia thừa kế. Nếu người đó không nằm trong danh sách những người thừa kế theo di chúc và không phải là người thừa kế theo pháp luật, thì việc phân chia di sản thừa kế vẫn diễn ra bình thường. Còn ngược lại, nếu người đó là người được nhận di sản thừa kế mà không đồng ý chia thừa kế thì vẫn có thể phân chia di sản thừa kế, nhưng tùy theo tình huống sẽ có cách giải quyết khác nhau và thời gian giải quyết là khác nhau, cụ thể:

Thứ nhất, ưu tiên sự thỏa thuận của các bên để việc chia thừa kế đạt được kết quả mà tất cả các đồng thừa kế mong muốn, đồng thời, thỏa thuận được sẽ khiến gia đình tránh được tranh cãi, làm mất lòng nhau. Cụ thể, tại Điều 656 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về họp mặt những người thừa kế.

“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.”

Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận về cách thức phân chia di sản, và thỏa thuận này phải được lập thành văn bản. Việc lập văn bản phải có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế, trừ trường hợp phân chia di sản thừa kế theo di chúc có công chứng. Dựa vào văn bản thỏa thuận này để Nhà nước có căn cứ đảm bảo tính pháp lý khi chuyển quyền sở hữu đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Vì vậy, khi xảy ra trường hợp có một người không đồng ý về việc thỏa thuận này và không ký vào bản thỏa thuận này, những người đồng thừa kế còn lại nên thống nhất cách giải quyết và giải thích với người đó một cách hợp tình hợp lý để họ hiểu vấn đề và chấp thuận thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã lập.

Thứ hai, hòa giải thông qua người thứ ba. Khi việc tự giải quyết không thành, các đồng thừa kế có thể nhờ bên thứ ba (những người thân thích khác, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tranh chấp đất nếu di sản để lại có quyền sử dụng đất). Thực tế, cách này khá tương đồng với ưu tiên về sự thỏa thuận, nhưng thay vì để người trong cuộc đứng ra thỏa thuận hòa giải, đôi khi sẽ đặt lợi ích cá nhân của mình lên trên, thì việc nhờ người thứ ba sẽ đem lại tính khách quan hơn, đánh giá sự việc trên phương diện công bằng và hợp tình hợp lý hơn các đồng thừa kế.

Thứ ba, khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Trường hợp này sẽ áp dụng khi hai phương án ưu tiên về sự thỏa thuận không thành, các đồng thừa kế không thể thống nhất ý kiến thì một trong các đồng thừa kế còn lại có quyền yêu cầu khởi kiện Tòa án phân chia di sản thừa kế. Khi khởi kiện, cần lưu ý về thời hiệu để người thừa kế khởi kiện đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (căn cứ theo Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu thừa kế)

+ Trường hợp 1: Còn thời hiệu khởi kiện. Từ thời điểm mở thừa kế đến khi khởi kiện vẫn đảm bảo đủ thời gian khởi kiện là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản thì các đồng thừa kế còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nơi người không đồng ý phân chia di sản để chia di sản thừa kế.

+ Trường hợp 2: Hết thời hiệu khởi kiện, đối với động sản là 10 năm, bất động sản là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế, thì các đồng thừa kế vẫn được khởi kiện, nhưng không phải khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế, mà phải khởi kiện phân chia tài sản chung. Bởi từ thời điểm mở thừa kế đến khi hết thời hạn khởi kiện mà các bên không xảy ra tranh chấp và chưa chia, thì tài sản đó trở thành tài sản chung của tất cả những người thừa kế. Vì vậy, tại thời điểm tranh chấp mà đã hết thời hiệu khởi kiện thì phải yêu cầu khởi kiện chia tài sản chung. căn cứ theo mục 2.4 khoản 2 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP về Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, quy định:

2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1) Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

a.2) Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3) Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

 Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.

-TL-

MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI

HOTLINE: 03.2518.2518

FB: LUATSUTHANHDAT

ZALO: 03.2518.2518

TRỤ SỞ: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KHU ĐÔ THỊ LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.

 

Gửi yêu cầu tới chúng tôi
Tên khách hàng
Địa chỉ
Điện thoại
Email
Nội dung yêu cầu
Security Code*
    

Các thông tin khác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  ... 
Tìm kiếm