Giả mạo trong công tác là một trong những hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn. Tội phạm này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành với những mức hình phạt trong từng hành vi cụ thể. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm của tội giả mạo trong công tác theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Căn cứ pháp lý
Hành vi giả mạo trong công tác được quy định tại Điều 359 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
“Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”.
Cấu thành tội phạm
Chủ thể tội phạm
Chủ thể của tội giả mạo trong công tác là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước. Vì là người có chức vụ, quyền hạn nên chủ thể tội phạm này đã thỏa mãn các điều kiện về độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Về mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi giả mạo trong công tác với lỗi cố ý trực tiếp. Có nghĩa là, người phạm tội nhận thức rõ về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mình thực hiện, thấy trước được hậu quả mà hành vi này gây ra nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân. Nếu mục đích thực hiện hành vi này không phải để vụ lợi hay vì động cơ cá nhân thì người phạm tội không bị coi là phạm tội giả mạo trong công tác.
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội giả mạo trong công tác là những hành vi làm sai lệch nội dung của giấy tờ, tài liệu hoặc giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn, công khai, minh bạch của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, dẫn đến suy yếu và mất uy tín.
Về mặt khách quan
Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
- Làm, cấp giấy tờ giả;
- Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Hậu quả mà tội phạm giả mạo trong công tác gây ra có thể là:
- Gây thiệt hại về kinh tế, tài sản;
- Gây rối loạn hoạt động công tác trong bộ máy Nhà nước;
- Gây mất lòng tin của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước;
- Gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị giả mạo chữ ký.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS
Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:
FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85
hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com
📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly
📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis
Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi:
📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai.