Ngoài việc nhờ tới sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình thì pháp luật cũng trao cho người bị xâm hại quyền chống trả lại hành vi nguy hiểm cho xã hội ngay tại thời điểm phát sinh hành vi đó bằng chế định phòng vệ chính đáng.
Phòng vệ chính đáng là gì?
Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Như vậy, phòng vệ chính đáng là quyền của mỗi cá nhân khi bị xâm phạm trái pháp luật và họ có quyền thực hiện hành động để bảo vệ mình, gia đình hoặc tài sản của mình.
Vượt quá phòng vệ chính đáng
Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự quy định hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Đồng thời, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, vượt quá phòng vệ chính đáng xảy ra khi hành động phòng vệ của một người không nằm trong giới hạn cần thiết để bảo vệ bản thân và tài sản mà gây ra thiệt hại vượt quá mức độ xâm phạm ban đầu. Hành vi này xảy ra khi người phòng vệ sử dụng vũ lực quá mức hoặc hành động quá mức cần thiết so với hành vi của người phạm tội.
Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cũng quy định người phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Hậu quả pháp lý của hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng
Khi hành vi phòng vệ vượt quá mức cần thiết, hành động đó có thể bị coi là hành vi phạm tội. Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, nếu hành động vượt quá phòng vệ chính đáng dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác, người thực hiện hành động có thể bị xử lý hình sự.
Trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị xử phạt như sau:
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Đối với hành vi giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015, bao gồm 2 khung hình phạt như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
- Phạt tù từ 02 đến 05 năm khi phạm tội với 2 người trở lên.
Các yếu tố cần chú ý khi phân biệt giữa hành vi phòng vệ chính đáng và hành vi vượt quá hành vi phòng vệ chính đáng
Khi xử lý các vụ án về phòng vệ chính đáng cần chú ý một số yếu tố quan trọng để phân biệt giữa hành vi phòng vệ chính đáng và hành vi vượt quá giưới hạn phòng vệ chính đáng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người liên quan.
Yếu tố đầu tiên cần chú ý là mục đích thực hiện hành vi chống trả để tránh trường hợp lợi dụng phòng vệ chính đáng để gây thiệt hại.
Yếu tố thứ hai cần chú ý là tình huống và thời gian thực hiện hành vi phòng vệ, hành vi phòng vệ chính đáng phải diễn ra khi hành vi trái pháp luật đang diễn ra. Một hành vi chống trả được coi là đúng thời điểm khi hành vi đó ddwwocj thực hiện khi hành vi trái pháp luật đang diễn ra.
Yếu tố thứ ba là hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là hành vi cần thiết.
Tòa án sẽ dựa vào các yếu tố trên để xác định lieeuh hành vi có vượt quá mức phòng vệ chính đáng không.
Vượt quá phòng vệ chính đáng là một vấn đề pháp lý cần được hiểu rõ để đảm bảo quyền lợi của người phòng vệ cũng như quyền lợi của người bị tấn công. Mặc dù quyền tự vệ là một quyền hợp pháp, nhưng hành động phòng vệ cần phải hợp lý, vừa phải và không gây thiệt hại không đáng có.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-NQ-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 1900 6196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS 1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, TRUNG HOÀ, CẦU GIẤY, HÀ NỘI
CS 2: PHÒNG 1936, HH4C LINH ĐƯỜNG, KĐT LINH ĐÀM, HOÀNG MAI, HÀ NỘI