Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hiện nay chỉ mới quy định về tội danh cướp giật tài sản mà không mô tả cụ thể hành vi cướp giật tài sản cũng như dấu hiệu nhận biết hành vi này. Vì thế rất khó để người dân xác định như thế nào là hành vi cướp giật tài sản. Trong bài viết dưới đây, Luật Vì Chân Lý sẽ phân tích 4 dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội này cùng với 1 ví dụ về Bản án tội cướp giật tài sản.
Tội cướp giật tài sản được quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) (sau đây gọi tắt là BLHS 2015) như sau:
“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”
Để nhận biết một hành vi có phải cướp giật tài sản hay không, bạn có thể dựa vào 4 yếu tố cấu thành tội phạm sau đây.
Các yếu tố cấu thành tội phạm
- Về mặt chủ thể:
Chủ thể của tội cướp giật tài sản là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đáp ứng điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015 như sau:
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác;
+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu các khung hình phạt rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng của tội cướp giật tài sản.
- Về mặt chủ quan:
Mặt chủ quan được hiểu là yếu tố lỗi của tội phạm. Đối với tội cướp giật tài sản, lỗi của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp. Có thể hiểu, người phạm tội nhận thức được hành vi họ vừa thực hiện là hành vi vi phạm Pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác để phục vụ tư lợi cá nhân.
Cũng giống như TỘI CƯỚP TÀI SẢN, ý định chiếm đoạt tài sản này phải có từ trước khi người phạm tội thực hiện hành vi cướp giật.
- Về mặt khách thể:
Khách thể của tội cướp giật tài sản là quan hệ sở hữu về tài sản của người khác được Pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vì bị cướp giật mà người bị hại có thể bị thương, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng (Ví dụ: Người bị hại đang tham gia giao thông mà bị cướp giật bất ngờ, không kịp phản ứng dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông…). Đối với những trường hợp này, khách thể của tội cướp giật tài sản còn là quan hệ nhân thân.
Khác với TỘI CƯỚP TÀI SẢN, người phạm tội phải thông qua việc xâm phạm đến nhân thân (sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hành vi làm cho người bị hại mất khả năng tự vệ) để xâm phạm đến quan hệ tài sản (chiếm đoạt tài sản).
- Về mặt khách quan:
Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của tội cướp giật tài sản là hành vi giằng, giật, đoạt lấy tài sản khi người sở hữu, quản lý tài sản đang lơ là, mất cảnh giác và không thể phản ứng kịp thời khi hành vi này xảy ra.
Cụ thể, căn cứ theo lý luận và thực tiễn điều tra, xét xử tội phạm, hành vi cướp giật mang những đặc điểm, dấu hiệu sau:
+ Nhanh chóng, công khai giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc trong khi người có trách nhiệm đang quản lý tài sản;
+ Nhanh chóng tẩu thoát sau khi đã giật được tài sản.
Lưu ý, nếu trong quá trình cướp giật tài sản mà người phạm tội có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về TỘI CƯỚP TÀI SẢN.
Bản án tội cướp giật tài sản
Bản án về tội cướp giật tài sản số 669/2021/HS-PT:
Khoảng 15 giờ 00, ngày 27/01/2021, bị cáo Phạm Văn Th điều khiển xe máy Yamaha Sirius, màu trắng mang biển kiểm soát 29Y1-xxxxx đi giao hàng cho khách. Khi đến khu vực cổng chào khu đô thị Goldmark City thuộc phường PD, quận B, bị cáo thấy chị Mai Thị Hoà Th đang điều khiển xe máy, phía sau đeo ba lô và để một chiếc điện thoại ở túi bên hông bên trái của ba lô và không đóng nắp nên nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại. Sau đó, bị cáo điều khiển xe máy theo sau xe máy của chị Th, đến đoạn đường đối diện tòa nhà R3-R4 của khu đô thị thì Phạm Văn Th tăng tốc, áp sát xe máy của chị Th rồi giật chiếc điện thoại khỏi túi của chị Th. Chị Th liền truy hô và đuổi theo. Bị cáo điều khiển xe máy chạy một vòng quanh khu đô thị Goldmark rồi chạy về phía đường Hồ Tùng Mậu và đi vào đường LĐT và tẩu thoát. Sau đó, Th mang chiếc điện thoại Iphone 7Plus vừa lấy được về cất ở nhà trọ tại địa chỉ: ngõ 35 LĐT, phường Đ1, quận N, Hà Nội. Chị Th đã trình báo sự việc trên đến cơ quan Công an. Cơ quan Công an tiến hành điều tra và bắt giữ bị cáo Th cùng vật chứng.
Kết quả giải quyết: Xử phạt bị cáo Phạm Văn Th 24 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 171 BLHS 2015.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS
Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:
FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85
hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com
📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly
📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis
Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi:
📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai