ĐẤT KHAI HOANG HÓA CÔNG ÍCH, MẬP MỜ, BẤT CẬP

Lâu nay trong việc quản lý đất đai luôn tồn tại những bất cập, mập mờ, đặc biệt nổi lên là việc người dân khai hoang, sử dụng đất rồi bỗng nhiên diện tích này được đưa vào thuộc quản lý của UBND xã, phường, thị trấn...gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân, ảnh hương nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất

Ngày 30/05/2018 Vì chân lý nhận được thông tin từ gia đình chị Nguyễn Thị Sen, 40 tuổi, cư trú tại Khối Tân Hải, Phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai Nghệ An, phản ánh, bức xúc về việc gia đình chị khai hoang, sử dụng đất ổn định không tranh chấp với ai bỗng dưng biến thành đất công ích do UBND xã quản lý, thuộc diện thu hồi đất không được đền bù về đất theo quy định pháp luật.

Chị Sen cho biết, gia đình chị bắt đầu khai hoang diện tích hiện đang sử dụng từ những năm 1989. Thời điểm đó, đây là một khu đất ngập nước, nằm bên ngoài đê, không người sinh sống, qua lại. Gia đình chị đã đổ mồ hôi, công sức cải tạo, bồi lấp để làm vườn, nuôi cá và xây dựng một số công trình như nhà ở, công trình chăn nuôi. Tổng diện tích được khoảng 2000m2

Năm 2011, khi tiến hành xây dựng nhà ở thì UBND xã Quỳnh Phương tổ chức bốc dỡ vật liệu xây dựng của gia đình chị, không cho gia đình chị xây dựng. Sau nhiều lần đơn thư khiếu nại, tố cáo, ngày 21/10/2013 UBND thị xã Hoàng Mai ban hành Kết luận 269/QĐ-UBND kết luận gia đình chị đã lấn chiếm trái phép diện tích đất thuộc quản lý của UBND phường Quỳnh Phương.

Để làm rõ vấn đề này chúng tôi đã làm việc và xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền.
1/ Thứ nhất:
Uỷ ban nhân dân phường Quỳnh Phương cho rằng diện tích gia đình chị Sen sử dụng là đất lò vôi thuộc quản lý của Uỷ ban phường Quỳnh Phương. Điều này là không đủ cơ sở bởi:
Theo chị Sen trình bày diện tích gia đình chị khai hoang là đất mặt nước, bãi bồi nằm ngoài đê, không phải là diện tích lò vôi theo như kết luận của UBND thị xã Hoàng Mai, UBND phường Quỳnh Phương. Minh chứng cho điều này thể hiện ở việc thực tế diện tích này nằm tiếp giáp diện tích đất lò vôi, và vị trí lò vôi cũ, được gia đình ông Đặng Xuân Hương (bố chị Sen) xin phép khai hoang (có sự xác nhận của chủ tịch UBND thị xã Quỳnh Phương và phó chủ tịch UBND thị xã Quỳnh Phương giai đoạn 1986-1990 về việc này) , sử dụng ban đầu phục vụ cho thuyền ra vào lò vôi, thuận tiện sản xuất đốt lò vôi khi ông còn là tổ trưởng tổ lò vôi cũ. Các hộ dân sinh sống xung quanh đó cũng cho biết diện tích lò vôi đến nay đã được bồi lấp, sử dụng và đã được cấp GCNQSDĐ cho nhiều hộ dân sinh sống tại đó. Một điểm nữa là khu lò vôi thực tế không được thể hiện trên hồ sơ địa chính lưu tại UBND phường Quỳnh Phương qua các thời kỳ. Khi đề nghị cung cấp, xác định chính xác vị trí, diện tích thì UBND phường Quỳnh Phương không đưa ra được căn cứ chứng minh. Cho nên kết luận của UBND thị xã Hoàng Mai, UBND phường Quỳnh Phương là không đủ cơ sở.
2/Thứ hai:
Nhà nước luôn khuyến khích việc khai hoang, phục hóa, cải tạo, bồi lấp, mở rộng diện tích sản xuất...
Chính sách đất đai qua các thời kỳ, ở thời điểm đó Luật Đất Đai 1987 đang có hiệu lực luôn khuyến khích việc người dân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn...vào công cuộc khai hoang, vỡ hóa, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp. Việc gia đình chị Sen làm là hoàn toàn đúng với chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hơn nữa còn được sự cho phép của UBND xã Quỳnh Phương thời điểm đó như đã nêu trên. Tôi cho rằng UBND xã Quỳnh Phương thời điểm hiện tại đang không thực hiện, hiểu đúng quy định pháp luật.
3/Thứ ba:
UBND xã Quỳnh Phương và UBND thị xã Hoàng Mai cho rằng diện tích mà gia đình chị khai hoang là đất lấn chiếm thuộc quản lý của UBND phường Quỳnh Phương là thiếu cơ sởCần phải hiểu về vấn đề như thế nào là lấn, chiếm đất đai trước khi đi sâu vào vấn đề của gia đình chị. Theo quy định tại điều 3 Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì lấn đất được hiểu là việc “người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.” còn chiếm đất là “ việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử sx dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.” . Theo như UBND thị xã Hoàng Mai và UBND phường Quỳnh Phương trong kết luận số 269/KL-UBND thì gia đình chị Sen có hành vi lấn chiếm đất có nguồn gốc là đất UBND xã quản lý.

Có thể thấy UBND thị xã Hoàng Mai và UBND phương Quỳnh Phương đang nhầm lẫn trong việc áp dụng quy định pháp luật. Cụ thể diện tích mà gia đình chị khai hoang (có sự xác nhận của chủ tịch UBND thị xã Quỳnh Phương và phó chủ tịch UBND thị xã Quỳnh Phương giai đoạn 1986-1990 về việc này) cho tới trước khi UBND xã đo đạc, lập bản đồ địa chính (năm 1997 theo kết luận 269/KL-UBND) thì diện tích này không có ai sử dụng, là đất bãi bồi, ven sông không thuộc quản lý của UBND xã Quỳnh Phương, bên cạnh đó diện tích lò vôi không được thể hiện trên hồ sơ địa chính, cũng như thực địa không thể hiện việc quản lý của UBND xã Quỳnh Phương nên không thể nói gia đình chị Sen đã lấn chiếm được.

4/Thứ tư:

Việc sử dụng đất của gia đình chị đủ điều kiện xem xét cấp GCNQSDĐ và xem xét bồi thường về đất và tài sản trên đất khi thu hồi đất theo quy định pháp luật

Luật Đất Đai 2013 có quy định về các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong đó áp dụng đối với cả các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ như đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ vẫn được xem xét hưởng mức bồi thường theo quy định (Khoản 1, Điều 75, Luật Đất Đai 2013)

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại Mục 2, Luật Đất Đai 2013 qua các điều 97; 98; 99; 100; 101. Đối chiếu với trường hợp của gia đình chị Sen sử dụng đất khai hoang, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, Khoản 2, Điều 102 Luật Đất Đai 2013 có quy định: “ 2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. ”

Điều này được hướng dẫn bởi Điều 20 NĐ 43/2014. Trong đó: “...1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; hoặc từ 15/10/1993 đến trước ngày 01/07/2004; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là quy hoạch) hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất...”

Điều 21 NĐ 43/2014 quy định những căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn đinh như sau: “Sử dụng đất ổn định là vệc sử dụng liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn kièn với đất hoặc đến thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Việc xác định được căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ như biên lai nộp thuế sử dụng đất, thuế nhà đất, bản đồ, sổ mục kê... Đối với trường hợp không có một trong các loại giấy tờ theo quy định pháp luật, hoặc các giấy tờ không thể hiện rõ thời điểm xác lập giấy tơ và mục đích sử dụng đất thì cứ vào xác nhận của UBND xã về thời điểm bắt đầu sử dụng và mục đích sử dụng trên cơ sở việc thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản) nơi có đất” .

Cần phải hiểu đúng quy định pháp luật trong trường hợp này là việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thời điểm sử dụng đất, việc sử dụng ổn định đất, phù hợp quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng trước thời điểm phê duyệt quy hoạch thì được xem xét công nhận quyền sử dụng đất. Chúng ta thấy rằng hơn 20 năm sử dụng liên tục, không tranh chấp của gia đình chị Sen, trước thời điểm 15/10/993; trước khi có quy hoạch hậu cần nghề biển mà theo UBND xã Quỳnh Phường trình bày trong kết luận 269/KL-UBND là quy hoạch, đã được HĐND xã thông qua, đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện này. Theo quy định pháp luật thì UBND cấp xã nơi có đất phải có trách nhiệm xem xét, ghi nhận thời điểm sử dụng đất; việc sử dụng đất ổn định, để công nhận quyền sử dụng đất cho gia đình chị theo như các căn cứ nêu trên. Việc UBND xã Quỳnh Phương không xém xét, xác định các vấn đề trên là việc làm cản trở, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Hơn 20 năm sử dụng đất, ổn định, không tranh chấp, đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức nay bỗng chốc biến thành đất công ích, thuộc quản lý của UBND xã, sử dụng lấn chiếm trái phép. Nổi lên ngày càng trở phổ biến. Đã đến lúc, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Vì chân lý sẽ tiếp tục thông tin tới Qúy vị trong các bài tiếp theo...!

Đoàn Nguyễn

 

Gửi yêu cầu tới chúng tôi
Tên khách hàng
Địa chỉ
Điện thoại
Email
Nội dung yêu cầu
Security Code*
    

Các thông tin khác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  ... 
Tìm kiếm