Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của 1 cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời quản lý về dân cư. Hành vi đăng ký hộ tịch trái pháp luật là hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vậy, yếu tố cấu thành tội phạm này là gì?
Đăng ký hộ tịch trái pháp luật là gì?
Hộ tịch là những sự kiện xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước về đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch.
Đăng ký hộ tịch trái pháp luật là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn đăng ký các sự kiện hộ tịch (như khai sinh, kết hôn, ly hôn, thay đổi dân tộc, quốc tịch, v.v.) một cách không đúng quy định của pháp luật. Nói cách khác, hành vi này liên quan đến việc khai báo thông tin sai sự thật, làm sai thủ tục hoặc có hành vi gian dối trong việc thực hiện các thủ tục hộ tịch.
Căn cứ pháp lý
Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật được quy định tại Điều 336 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
“Điều 336. Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật
1. Người nào có nhiệm vụ, quyền hạn mà thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho 02 người trở lên;
b) Giấy tờ về hộ tịch đã được cấp, đăng ký trái pháp luật được sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Yếu tố cấu thành tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Khách thể
Khách thể của tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật là chính sách quản lý nhà nước về hộ tịch.
Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
- Người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc đăng ký hộ tịch thực hiện việc đăng ký hộ tịch như ghi các thông tin, kiểm tra các thông tin và thực hiện đăng nhập dữ liệu mà sai với thông tin đã được cung cấp.
- Cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật.
- Người thực hiện những hành vi bị nghiêm cấm để đăng kí, cấp giấy tờ trái pháp luật về hộ tịch bị truy cứu trách nhiệm khi đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan của tội phạm
Chủ thể thực hiện tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức rõ được hậu quả của việc đăng kí hoặc cấp giấy tờ về hộ tịch và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Việc xử lý hành vi đăng ký hộ tịch trái pháp luật cần phải tuân thủ quy trình pháp lý và mức độ xử lý phù hợp để bảo vệ trật tự xã hội và quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.