Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các án lệ: Án lệ số 04/2016/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng khi chỉ có một bên vợ chồng ký tên và Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân.
Án lệ số 04/2016/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng khi chỉ có một bên vợ chồng ký tên
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03- 3-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
Ngày 26-4-1996, vợ chồng bà Kiều Thị Tý và ông Chu Văn Tiến nhận chuyển nhượng của ông Lê Văn Ngự 02 căn nhà cấp 4 trên diện tích đất thổ cư khoảng 160m2 của gia đình ông Lê Văn Ngự; hợp đồng chuyển nhượng chỉ có chữ ký của ông Ngự, không có chữ ký của vợ là bà Phấn. Sau khi mua nhà, đất, ông Tiến, bà Tý đã trả đủ tiền, nhận nhà đất, tôn nền đất, sửa lại nhà và cho các cháu đến ở. Sau khi bán nhà, đất cho vợ chồng bà Tý, ông Ngự, vợ chồng ông Ngự, bà Phấn vẫn ở cạnh diện tích đất đã chuyển nhượng; bà Phấn đã phân chia vàng cho các người con. Ông Lê Văn Ngự, bà Trần Thị Phấn yêu cầu Tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, vì việc ký hợp đồng, nhận tiền mua bán nhà, đất chỉ do ông Ngự thực hiện, bà Phấn là vợ không biết.
Nội dung án lệ:
Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định:
(i) Bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất;
(ii) Bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì.
Như vậy, trong trường hợp này, phải xác định là người đó đã đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.
Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân:
Nguồn án lệ:
Quyết định giám đốc thẩm số 27/2015/DS-GĐT ngày 16-10- 2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Cụ Phạm Văn H (chết năm 1978) và vợ là cụ Ngô Thị V có 7 con chung. Sinh thời các cụ có tạo lập được gian nhà tranh vách đất trên khoảng 464 m2 đất tại phố H, thị trấn Q, tỉnh Hà Tây. Sau khi cụ H chết, cụ V đã họp các con và đứng ra phân chia toàn bộ thửa đất thành bốn phần riêng biệt cho các con, không ai có ý kiến gì và đều thống nhất thực hiện việc phân chia này. Thực tế thời điểm cụ V chia đất, các con đều đã trưởng thành, một số có gia đình riêng có nhu cầu về đất ở, các đương sự thừa nhận việc cụ V chia đất, tất cả các con đều đồng ý.
Nội dung án lệ:
(i) Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước.
(ii) Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất.
(iii) Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào. Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp.
Như vậy, trong trường hợp này, phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân. Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS
Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:
FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85
hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com
📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly
📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis
Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi:
📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai