THẾ NÀO LÀ DI CHÚC HỢP PHÁP

Từ xưa đến nay, con người luôn được quan niệm sẽ trải qua bốn giai đoạn của một đời người là “sinh, lão, bệnh, tử”. Khi mỗi người đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, thường sẽ có tâm nguyện để lại tài sản của mình cho những người còn sống, ở thời xưa sẽ được gọi bằng di ngôn, chức thư,… và thời nay được dùng với thuật ngữ pháp lý “di chúc”. Di chúc được định nghĩa “là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 624 Bộ luật dân sự 2015). Trên thực tế, người để lại di chúc thường quan tâm đến vấn đề “thế nào là di chúc hợp pháp” để di chúc đó có thể được pháp luật công nhận và có thể được thực hiện ý nguyện của mình, tránh tranh chấp không đáng có. Trong khuôn khổ bài viết trên, tác giả sẽ phân tích những điều kiện để di chúc hợp pháp, tức tính hợp pháp của di chúc.
 Di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 Bộ Luật dân sự năm 2015 (BLDS):

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Một bản di chúc được coi là hợp pháp sẽ có những điều kiện sau:

Thứ nhất, điều kiện về năng lực lập di chúc của người lập di chúc:

Một điều kiện tiên quyết để di chúc có hiệu lực pháp luật là người lập di chúc phải đủ năng lực lập di chúc. Năng lực lập di chúc được hiểu là khả năng của người lập di chúc khi đạt đến một độ tuổi nhất định được pháp luật cho phép, đủ nhận thức và làm chủ được hành vi của mình gồm.

Về độ tuổi, Điều 625 BLDS quy định độ tuổi lập di chúc gồm 1) Người đã thành niên (là người từ đủ 18 tuổi trở lên) và 2) Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Theo quy định này, người đủ 18 được xác định là có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, vì vậy họ có thể tự mình thực hiện việc lập di chúc. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc. Đây không phải là quy định mới mà đã có từ Bộ luật dân sự năm 1995, 2005, tuy nhiên Bộ luật năm 2015 có sự bổ sung hợp lý hơn khi thay vì quy định “Nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý” thì bổ sung “nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”. Việc quy định thêm cụm từ “về việc lập di chúc” cho thấy pháp luật quy định rõ việc cha, mẹ, người giám hộ chỉ được đồng ý hay không về việc lập di chúc mà không được can thiệp vào nội dung của di chúc.

Về năng lực nhận thức và làm chủ hành vi, để di chúc hợp pháp, người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép (điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS). Pháp luật đã loại trừ một số trường hợp không được lập di chúc vì trong những trường hợp này, người lập di chúc không đủ năng lực nhận thức và làm chủ hành vi của mình, không thể hiện được chính xác, đầy đủ ý chí của mình trong di chúc, cụ thể gồm:

- Người mất năng lực hành vi dân sự. Theo quy định tại Điều 22 BLDS 2015, người mất năng lực hành vi dân sự không thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện, bao gồm cả việc lập di chúc.

- Người không minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc: Sự minh mẫn, sáng suốt là yếu tố quan trọng trong tính hợp pháp của di chúc, vì khi đó người lập di chúc mới có thể thể hiện chính xác, đầy đủ ý chí của mình mà không bị sai lệch. Một người có thể được xác định không minh mẫn, sáng suốt như đang trong tình trạng ốm, bệnh nặng, tuổi già sức yếu và không thể hoạt động, nói, viết một cách rõ ràng, chính xác, hoặc người lập di chúc đang có vấn đề về tâm sinh lý khiến bản thân hoảng loạn, hoang mang,…

- Người bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép về việc lập di chúc. Điều 127 BLDS 2015 quy định về việc này như sau:

“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

Như vậy, khi người lập di chúc bị lừa dối, đe dọe, cưỡng ép trong lập di chúc thì di chúc này được coi là không hợp pháp.

Thứ hai, điều kiện về nội dung của di chúc:

Điểm b Khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 quy định về điều kiện của di chúc hợp pháp“Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Về điều kiện không vi phạm điều cấm của luật. Quy định này phù hợp với quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung, quy định tại Điều 177 BLDS 2015: “c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Đây cũng là điểm mới so với quy định của BLDS năm 2005, khi Bộ Luật năm 2005 quy định: “Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội” (điểm b khoản 1 Điều 652). Có thể thấy điểm cụm từ “không trái pháp luật” được thay bằng “không vi phạm điều cấm của luật” đã mở rộng thêm khả năng hợp pháp của di chúc. Bởi cụm từ “trái pháp luật” có phạm vi rộng hơn, nghĩa là chỉ cần không phù hợp như không thực hiện, thực hiện không đúng, vi phạm điều cấm quy định của các văn bản pháp luật hiện hành thì di chúc đó sẽ được coi là không hợp pháp, trong khi điều cấm của luật chỉ bao gồm “những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định” (Điều 123 BLDS). Như vậy. thuật ngữ “trái pháp luật” có nghĩa rộng hơn thuật ngữ “không vi phạm điều cấm của luật”, quy định đổi mới như vậy đã mở rộng phạm vi để di chúc được coi là hợp pháp.

Các ví dụ về di chúc hợp pháp do không vi phạm điều cấm của luật như di chúc có nội dung phân chia di sản nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, di chúc để lại tài sản cho người khác với điều kiện người này phải thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, di chúc để lại tài sản là tài sản không hợp pháp, không được phép tàng trữ, sử dụng,…

Về điều kiện không trái đạo đức xã hội. Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa “Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng” (Điều 125). Đạo đức là cơ sở xã hội của pháp luật, xã hội cũng được xây dựng một phần do đạo đức, vì vậy đạo đức xã hội được xác định là một trong những điều kiện hợp pháp của giao dịch dân sự nói chung và di chúc nói riêng.

Các ví dụ về di chúc hợp pháp do trái đạo đức xã hội có thể kể đến như di chúc có nội dung kích động thù hằn giữa gia đình, xã hội, di chúc yêu cầu người thừa kế phải từ bỏ cha mẹ, người thân,…

          Thứ ba, điều kiện về hình thức của di chúc:

          Bên cạnh quy định về nội dung của di chúc hợp pháp, Điểm b Khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 cũng quy định về hình thức của di chúc như sau “…hình thức di chúc không trái quy định của luật.”

          Theo đó, quy định tại Điều 627 BLDS 2015, di chúc được quy định “phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

          Đối với di chúc bằng miệng. Pháp luật quy định trong một số trường hợp, khi không thể lập di chúc bằng văn bản thì được quyền lập di chúc bằng miệng, theo đó “1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.” (Điều 629 BLDS 2015). Như vậy chỉ trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng và không có đủ thời gian, điều kiện lập di chúc bằng văn bản như bị tai nạn bất ngờ, bệnh nặng nguy kịch,… Việc lập di chúc miệng cũng mang nhiều rủi ro pháp lý. Theo quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS 2015:

“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Điều kiện để di chúc miệng hợp pháp được quy định rất đầy đủ, kĩ càng nhằm đảm bảo ý nguyện của người lập di chúc được xác định một cách kịp thời, chính xác, rõ ràng và được ghi nhận khách quan. Trên thực tế di chúc miệng sẽ có nhiều rủi ro pháp lý như:
-        Không đáp ứng điều kiện lập di chúc miệng khi người lập di chúc vẫn có đủ điều kiện lập di chúc bằng văn bản nhưng lại lựa chọn lập di chúc miệng
-        Không đủ người làm chứng hợp lệ khi người làm chứng chỉ có 1 người hoặc những người làm chứng là người thừa kế, người chưa thành niên,… (Điều 632 BLDS 2015)
-        Không thực hiện công chứng, chứng thực chữ ký trong thời hạn 05 ngày làm việc vì nhiều lý do như không hiểu biết quy định pháp luật, trong lúc tang gia bối rối đã không nhớ ra,…
-        Tranh chấp do nghi ngờ người làm chứng gian đối, không ghi nhận đầy đủ, chính xác và khách quan ý chí của người để lại di chúc.

Đối với di chúc bằng văn bản. Đây là hình thức di chúc được sử dụng nhiều nhất của việc lập di chúc nên pháp luật cũng có những quy định cụ thể và đầy đủ hơn cho từng loại văn bản. Điều 628 BLDS 2015 quy định về các loại di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 633 BLDS 2015): Đây là di chúc được người lập di chúc tự mình viết tay và kí vào bản di chúc, có thể hiểu đã tự thể hiện được ý chí của mình nên không cần có người làm chứng. Ưu điểm của di chúc là mang tính bí mật cao, tuy nhiên có một số rủi ro như mất bản gốc, bản gốc di chúc bị người khác tiêu hủy do có nội dung bất lợi,…
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 634 BLDS 2015): Loại di chúc này được lập khi người lập di chúc không thể tự viết di chúc, vì vậy sẽ khó xác định được ý chí của người lập di chúc nên luật quy định cần có 02 người làm chứng. Thực tế phát sinh nhiều rủi ro với loại di chúc này như: Người làm chứng chỉ ký nhưng không xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc; di chúc có thể bị giả mạo, lập sau khi người để lại di sản mất sau đó 02 người làm chứng kí vào văn bản, lúc này rất khó xác định thời gian lập di chúc là thời điểm người để lại di chúc còn sống hay không; những người làm chứng không tuân thủ quy định của điều 632 BLDS 2015 về những người không được làm chứng
Di chúc có công chứng hoặc chứng thực (Điều 635,636 BLDS 2015): Đây là loại di chúc được sử dụng phổ biến và an toàn về mặt pháp lý nhất trong các loại di chúc vì di chúc được công nhận bởi một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Tuy nhiên người lập di chúc cần thực hiện đầy đủ thủ tục công chứng, chứng thực quy định tại Bộ luật dân sự để di chúc được công nhận là hợp pháp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.

-TT1-

MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI

HOTLINE: 19006196

FB: LUATSUTHANHDAT

ZALO: 03.2518.2518

CS1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, P.TRUNG HOÀ, Q.CẦU GIẤY, TP HÀ NỘI

CS2: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KĐT LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.

Gửi yêu cầu tới chúng tôi
Tên khách hàng
Địa chỉ
Điện thoại
Email
Nội dung yêu cầu
Security Code*
    

Các thông tin khác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  ... 
Tìm kiếm