Khi nhiều người cùng nhau thực hiện một hành vi phạm tội thì như thế nào được coi là đồng phạm? Những người đồng phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Cùng trả lời những câu hỏi này với Luật Vì Chân Lý THEMIS thông qua bài viết dưới đây.
Như thế nào là đồng phạm?
Khái niệm đồng phạm
Theo quy định tại Điều 17 BLHS 2015, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện hành vi phạm tội.
Căn cứ xác định đồng phạm
- Căn cứ khách quan
Căn cứ vào số lượng người phạm tội tham gia trong vụ án:
Điều 17 BLHS 2015 quy định trong vụ án có đồng phạm phải có từ 02 người trở lên, những người này đều phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Tìm hiểu thêm về
NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Căn cứ vào tính liên kết về hành vi của những người phạm tội
Những người trong vụ án đồng phạm tuy thực hiện những hành vi khác nhau nhưng phải nhằm mục đích cùng thực hiện một tội phạm. Hành vi của những người này phải có tính liên kết chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện, hỗ trợ cùng nhau thực hiện tội phạm một cách thuận lợi.
Căn cứ vào hậu quả
Hậu quả do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều là nguyên nhân gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
- Căn cứ chủ quan
Theo quy định tại Điều 17 BLHS 2015, tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều phải thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Họ đều đã thấy rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà mỗi người thực hiện, xác định mục đích thực hiện hành vi là để cùng nhau thực hiện một tội phạm và thấy trước các hành vi này sẽ gây ra hậu quả cho nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện các hành vi này.
Phân loại đồng phạm
Từ những căn cứ trên, các nhà làm Luật đã ban hành quy định tại khoản 3 Điều 17 BLHS 2015 để phân loại đồng phạm, cụ thể như sau:
“Điều 17. Đồng phạm
…
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
…”
- Người thực hành: Là người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm Pháp luật được mô tả trong các dấu hiệu tội phạm. Người thực hành là người có vai trò quyết định thực hiện tội phạm. Hành vi mà người thực hành thực hiện là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
- Người tổ chức: Là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm của những đồng phạm khác. Không phải mọi vụ án đồng phạm đều có người tổ chức mà người tổ chức thường xuất hiện trong các vụ án phạm tội có tổ chức.
- Người xúi giục: Là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi xúi giục được thực hiện trước khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội.
Lưu ý, hành vi xúi giục phải cụ thể nhằm xúi giục người khác thực hiện 1 tội phạm cụ thể. Trường hợp 1 người có hành vi sử dụng lời nói mang tính thông báo, gợi ý, không cụ thể thì không được coi là người xúi giục.
- Người giúp sức: Là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Hành vi giúp sức không trực tiếp gây ra hậu quả, thiệt hại mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm. Các hành của người giúp sức có thể là: Cung cấp công cụ, phương tiện, thông tin cần thiết để thực hiện tội phạm; Khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm; Hứa che giấu người phạm tội, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có…
Đồng phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Đồng phạm là trường hợp từ 02 người trở lên cùng thực hiện 01 tội phạm, do vậy những người này đều cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ cùng có ý định thực hiện. Mọi đồng phạm trong cùng vụ án đều bị áp dụng nguyên tắc chung về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xác định hình phạt.
Bên cạnh đó, mỗi người đồng phạm lại phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập đối với những hành vi mà mình thực hiện. Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của đồng phạm được quy định tại Điều 58 BLHS 2015 như sau:
“Điều 58. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm
Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”
Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS 2015, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành. Có nghĩa là, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do đồng phạm thực hiện đến đâu thì áp dụng trách nhiệm hình sự đến đó, người đồng phạm này, không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của đồng phạm khác.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS
Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:
FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85
hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com
📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly
📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis
Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi:
📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai.