Năng lực trách nhiệm hình sự là gì? Một người như thế nào là đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và như thế nào được coi là không đủ năng lực trách nhiệm hình sự? Luật Vì Chân Lý THEMIS sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này thông qua bài viết dưới đây!
Năng lực trách nhiệm hình sự là gì?
Năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là 1 dạng năng lực pháp lý mà 1 cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện hành vi vi phạm Pháp luật.
Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người:
- Đủ điều kiện về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
- Có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội.
Điều kiện để 1 người có năng lực trách nhiệm hình sự
Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.
Cụ thể về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Luật Vì Chân Lý THEMIS đã phân tích trong bài viết ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ. Mời bạn tham khảo.
Về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi
Hiện nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành chưa có quy định cụ thể một người như thế nào là thỏa mãn điều kiện về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tuy nhiên, Điều 21 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã quy định:
“Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”.
Như vậy, có thể hiểu, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã đủ độ tuổi theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và không mắc bệnh tâm thần, các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Lưu ý, nếu người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm Pháp luật trong tình trạng sử dụng rượu bia, chất kích thích dẫn đến mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà họ gây ra.
Người KHÔNG đủ năng lực trách nhiệm hình sự
Dựa vào những phân tích trên, việc một người không đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện đó sẽ làm cho người đó bị thiếu năng lực trách nhiệm hình sự.
Trường hợp chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành thì người dưới 14 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi, xét về mặt sinh lý, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của nhóm đối tượng này chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của họ gây ra và cũng chưa đủ khả năng tự chủ khi quyết định và thực hiện hành vi vi phạm Pháp luật đó.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nhóm đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số Điều luật nhất định.
NHƯ THẾ NÀO LÀ TỘI PHẠM RẤT NGHIÊM TRỌNG VÀ ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG.
Trường hợp đủ tuổi nhưng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi
Nếu người thực hiện hành vi vi phạm Pháp luật đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với những đối tượng này, Tòa án phải sử dụng kết luận của giám định pháp ý về bệnh tâm thần để xác định tính chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh, sau đó áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Việc này được quy định cụ thể thành 3 trường hợp quy định tại Điều 49 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
“Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS
Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:
FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85
hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com
📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly
📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis
Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi:
📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai.