Tách công ty là gì?
Điều 199 Luật Doanh Nghiệp 2020 quy định, tách công ty là chuyển nhượng một phần vốn, tài sản, quyền, nghĩa vụ để thành lập 1 hoặc một số công ty mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. Đây là một trong những hình thức tổ chức lại cơ cấu doanh nghiệp nhằm phù hợp với khả năng và nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là khi doanh nghiệp mất cân bằng trong việc quản lý hoạt động quy mô lớn.
Theo đó, công ty TNHH 1 thành viên có thể tách công ty bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số công ty TNHH mới mà không chấm dứt sự tồn tại của công ty bị tách.
Việc tách công ty TNHH 1 thành viên có thể được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
- Một phần vốn góp của chủ sở hữu cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp được chuyển sang cho các công ty mới.
- Toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp được chuyển sang cho các công ty mới.
- Kết hợp cả hai trường hợp nêu trên.
Thủ tục tách công ty TNHH 1 thành viên
Thủ tục tách công ty TNHH 1 thành viên được quy định tại khoản 3 Điều 199 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
Bước 1: Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty của công ty bị tách thông qua nghị quyết, quyết định tách công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Nghị quyết, quyết định tách công ty phải gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách;
- Tên công ty được tách sẽ thành lập;
- Phương án sử dụng lao động;
- Cách thức tách công ty;
- Giá trị tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách;
- Thời hạn thực hiện tách công ty.
Đối với công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu và hoạt động theo mô hình Hội đồng thành viên: Việc thông qua nghị quyết, quyết định tách công ty TNHH 1 thành viên được quy định tại khoản 6 Điều 80 Luật Doanh Nghiệp 2020 phải được ít nhất 75% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số phiếu biểu quyết trở lên tán thành.
Nghị quyết, quyết định tách công ty khi lập ra phải được gửi đến và thông báo đến chủ nợ cũng như người lao động được biết. Thời hạn thông báo và gửi đến là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc nghị quyết được thông qua.
Bước 2: Các thành viên, chủ sở hữu công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh Nghiệp 2020.
Chủ sở hữu công ty, các thành viên của công ty được tách sẽ thông qua Điều lệ của công ty để bầu hoặc bổ nhiệm các chức vụ lần lượt là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Bước 3 : Chủ sở hữu công ty mới tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo đúng thủ tục của pháp luật.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mới cần chuẩn bị bao gồm:
-Nghị quyết, quyết định về việc tách công ty TNHH một thành viên (quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
-Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty bị tách;
-Các giấy tờ, tài liệu đặc thù tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp của công ty sẽ thành lập từ việc tách doanh nghiệp: Các công ty được tách thuộc loại hình doanh nghiệp nào thì nộp bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tương ứng với loại hình đó (Lưu ý: Các công ty sẽ thành lập không nhất thiết phải chung loại hình doanh nghiệp với công ty bị tách).
+ Bộ Hồ sơ thành lập Công ty Cổ phần;
+ Bộ hồ sơ thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
+ Bộ hồ sơ thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:
+ Bộ hồ sơ thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu;
+ Bộ hồ sơ thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu;
- Trường hợp không phải Chủ sở hữu hoặc NĐDTPL của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân kèm theo văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp:
+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.),
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nộp hồ sơ: Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong ba cách
- Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi công ty đặt trụ sở;
- Nộp qua dịch vụ bưu chính;
- Nộp hồ sơ online tại website https://dangkykinhdoanh.gov.vn; nộp phí, lệ phí và nhận giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Bước 4: Điều chỉnh đăng ký kinh doanh của công ty bị tách
Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên giảm xuống.
Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty bị tách quy định như sau:
Tại Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với công ty bị tách, theo đó:
“1. Trường hợp tách công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mà công ty bị tách thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài giảm xuống, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty bị tách phải có các giấy tờ tương ứng quy định tại Chương này và các giấy tờ sau đây:
a) Nghị quyết, quyết định về việc tách công ty theo quy định tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp;
b) Bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc tách công ty.
3. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.”
Bước 5: Các bước khác sau tách
- Sau hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp xong thì công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán xong cũng như các hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty đã bị tách. Trường hợp mà công ty bị tách, công ty được tách và các bên liên quan như chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thoả thuận khác thì không cần phải liên đới chịu trách nhiệm.
- Các công ty được tách đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo nghị quyết, quyết định tách công ty.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-XH-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 19006196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, P.TRUNG HOÀ, Q.CẦU GIẤY, TP HÀ NỘI
CS2: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KĐT LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI