1. Công ty mẹ, công ty con là gì?
Căn cứ Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020, mô hình công ty mẹ - công ty con là một nhóm các công ty độc lập về mặt pháp lý. Công ty mẹ, công ty con là cụm từ dùng để chỉ mối quan hệ giữa các công ty có sự liên kết mật thiết với nhau về các yếu tố như vốn, các quyền quyết định trong công ty.
Công ty mẹ không những chi phối công ty con bằng đầu tư, góp vốn mà còn chi phối thông qua bí quyết công nghệ, thương hiệu hoặc thị trường giữa các doanh nghiệp… Mối quan hệ công ty mẹ – công ty con thường gặp trong các tập đoàn, tổng công ty lớn, trong đó công ty mẹ có vai trò điều hành hoặc định hướng chiến lược cho công ty con.
2. Điều kiện trở thành công ty mẹ, công ty con
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020, một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
- Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
- Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Như vậy, một doanh nghiệp được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp như trên. Lưu ý: Công ty mẹ và công ty con là hai pháp nhân riêng biệt, mỗi bên tự chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật về hoạt động của mình. Tuy nhiên, công ty mẹ có thể chịu trách nhiệm liên đới nếu có hành vi ép buộc công ty con kinh doanh trái pháp luật hoặc đưa ra quyết định gây thiệt hại (Điều 196 Luật Doanh nghiệp 2020)
3. Một số hạn chế đối với công ty mẹ, công ty con
Khoản 2 và 3, Điều 195 của Luật Doanh nghiệp 2020 quy định một số hạn chế đối với công ty mẹ và các công ty con như sau:
- Công ty con không được đầu tư (mua cổ phần, góp vốn) vào công ty mẹ. Các công ty con cùng một công ty mẹ không được sở hữu chéo lẫn nhau (góp vốn, mua cổ phần của nhau).
- Các công ty con cùng một công ty mẹ mà công ty mẹ đó có ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc thành lập doanh nghiệp mới theo Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, Điều 12, Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp như sau:
+ Cùng góp vốn thành lập doanh nghiệp mới.
+ Cùng mua cổ phần/phần vốn góp của doanh nghiệp đã thành lập.
+ Cùng nhận chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp từ các thành viên/cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.
Mục đích của quy định này là để ngăn ngừa việc sở hữu chéo trong nhóm công ty có vốn nhà nước, tránh xung đột lợi ích, rủi ro tài chính và làm rõ trách nhiệm quản lý vốn nhà nước.
Lưu ý: Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có dưới 65% vốn nhà nước, do Nhà nước nắm giữ dưới 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết vẫn có thể thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 12 Nghị định 47/2021/NĐ-CP và điều lệ công ty.
Như vậy, công ty mẹ – công ty con là mối quan hệ gắn bó về vốn và quyền kiểm soát giữa các doanh nghiệp độc lập về pháp lý. Một công ty được xem là công ty mẹ nếu đáp ứng một trong ba điều kiện tại Khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020. Dù có liên kết chặt chẽ, mỗi công ty vẫn là pháp nhân riêng và phải tuân thủ các hạn chế để tránh sở hữu chéo, đặc biệt với doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 65% trở lên.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-XH-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 19006196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, P.TRUNG HOÀ, Q.CẦU GIẤY, TP HÀ NỘI
CS2: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KĐT LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI