LƯU Ý KHI THỰC HIỆN THỦ TỤC PHẢN TỐ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình, nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong cùng một vụ án. Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ phát sinh khi có việc nguyên đơn kiện bị đơn và Toà án có thẩm quyền thụ lý vụ việc đối với yêu cầu của nguyên đơn, sau đó bị đơn cũng cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và có đơn yêu cầu toà án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định trên thực tế còn nhiều nhầm lần giữa Yêu cầu phản tố với ý kiến của bị đơn. Bài viết sau đây chúng tôi sẽ phân tích và vạch ra các lưu ý để anh chị nắm được việc áp dụng đúng quy định pháp luật.
         Phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, là việc bị đơn khởi kiện ngược lại người đã kiện mình, nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn trong cùng một vụ án. Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ phát sinh khi có việc nguyên đơn kiện bị đơn và Toà án có thẩm quyền thụ lý vụ việc đối với yêu cầu của nguyên đơn, sau đó bị đơn cũng cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm và có đơn yêu cầu toà án giải quyết những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn trong cùng một vụ án dân sự.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định trên thực tế còn nhiều nhầm lần giữa Yêu cầu phản tố với ý kiến của bị đơn. Bài viết sau đây chúng tôi sẽ phân tích và vạch ra các lưu ý để anh chị nắm được việc áp dụng đúng quy định pháp luật.

Quy định pháp luật Điều 200 BLTTDS năm 2015 quy định về Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn như sau:

“1.Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

2.Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

3.Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.”

Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 ghi nhận: Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Tuy nhiên hiện nay vẫn có sự nhầm lẫn giữa Yêu cầu phản tố với ý kiến của bị đơn nên Tòa không xem xét yêu cầu phản tố mà chỉ coi đó như là ý kiến của bị đơn nhưng vẫn xem xét giải quyết như yêu cầu phản tố. Những sai sót này dẫn đến áp dụng luật không đúng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự trong vụ án hoặc là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên dẫn đến nhiều bản án bị hủy để yêu cầu giải quyết lại.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế tại tỉnh PT bị tòa cấp cao thành phố HN tuyên hủy vì tòa cấp sơ thẩm không hướng dẫn thủ tục phản tố nhưng vẫn xem xét giải quyết yêu cầu của bị đơn trong vụ án.

Ngày 19/8/2022, TAND tỉnh PT thụ lý vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế. Nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho các đồng thừa kế gồm 07 (đều là con của hai cụ).Tài sản để lại gồm nhà và đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hộ gia đình vào năm 2000; đất lúa cấp theo hộ gia đình vào năm 2000; Đất trồng cây lâu năm cũng được cấp sổ và nguyên đơn cho rằng mình đã được bố mẹ giao quản lý, khai thác, sử dụng từ đó đến nay không tranh chấp với ai. Ngày 24/03/2011 gia đình Nguyên đơn có Biên bản họp gia đình về phân chia di sản thừa kế. Nguyên đơn cho rằng mình không có mặt tại cuộc họp nên ông khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy toàn bộ văn bản “Họp gia đình” để chia thừa kế theo pháp luật và chia bằng quyền sử dụng đất.

Các bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến “theo di nguyện phần đất ở để lại cho gia đình ông A ở, còn lại chia cho 5 chị em gái, riêng ông H (nguyên đơn) được bố mẹ cho riêng nên theo Biên bản họp ngày 24/03/2011 thì ông H không được chia nữa. Nếu ông H cứ khăng khăng không thực hiện nội dung Biên bản họp của gia đình nêu trên thì nguyên đơn yêu cầu chia các di sản còn lại là đất rừng”.

Tòa sơ thẩm nhận định và xử:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy Biên bản họp gia đình ngày 23/4/2011.

- Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn về việc chia thừa kế đất thổ cư là di sản của hai cụ để lại.

- Công nhận thỏa thuận của đương sự về việc chia thừa kế đối với đất LNK, LUK là di sản của hai cụ để lại.

Tại phiên xét xử sơ thẩm đại diện viện kiểm sát đưa ra vi phạm “yêu cầu phản t, yêu cầu độc lập của bị đơn và người liên quan thẩm phán chưa làm thủ tục phản tố và hướng dẫn đương sự nộp tiền dự phí mà vẫn xem xét giải quyết là chưa đúng quy định.

Vụ án có kháng cáo, được tòa án nhân dân cấp cao tại HN thụ lý xét phúc thẩm và nhận định:

Quá trình giải quyết vụ án, tại biên bản kiểm tra và giao nộp chứng cứ bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu đề nghị Tòa án chia diện tích rừng và đất lúa theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 19/02/2000 mang tên Hộ gia đình nhưng Tòa cấp sơ thẩm không hướng dẫn đương sự làm thủ tục phản tố, yêu cầu độc lập theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự mà vẫn xem xét thụ lý là có vi phạm tố tụng.

Ngoài ra kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh PT và kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về một số nội dung Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm là có căn cứ. những vi phạm của Toán cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm phù hợp với quan điểm cả Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Từ đó Tòa cấp phúc thẩm quyết định: Hủy bản án dân sự của tòa án nhân dân tỉnh PT; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh PT giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Việc phân biệt yêu cầu phản tố và ý kiến của bị đơn cũng đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:

Điều 12. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn quy định tại Điều 176 của BLTTDS

1. Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).

3. Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

4. Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

5. Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Về việc đưa ra ý kiến bằng văn bản của bị đơn với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đây là quyền, vì vậy bị đơn có thể thực hiện hoặc không thực hiện, tuy nhiên, pháp luật cũng đặt ra giới hạn việc thực hiện quyền này được tiến hành trong vòng 15 ngày kể từ khi bị đơn nhận được yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trường hợp cần gia hạn thì được phép gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Thực tế việc đưa ra ý kiến có thể được áp dụng trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án và bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh cho những ý kiến của mình.

Về việc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải. Việc đưa ra yêu cầu phản tố được thực hiện theo thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Như vậy, về bản chất đưa ra yêu cầu phản tố cũng giống như việc khởi kiện một vụ án, vì vậy vai trò của bị đơn lúc này cũng đã khác, không chỉ đơn thuần là bị đơn mà kiêm luôn quyền và nghĩa vụ của một nguyên đơn trong vụ án dân sự. Như vậy, Yêu cầu phản tố đúng quy định pháp lý phải đảm bảo các yếu tố sau:

Thứ nhất, về mặt nội dung, yêu cầu phản tố chỉ được chấp nhận khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần đảm bảo các yếu tố:

- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với nguyên đơn;

- Yêu cầu phản tố dẫn đến việc loại trừ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn;

- Yêu cầu phản tố được đưa ra nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Thứ hai, về mặt hình thức, việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn phải tuân thủ hình thức như khởi kiện của một vụ việc, có nghĩa là bị đơn phải soạn đơn phản tố bằng văn bản và gửi tới Toà án, sau đó bị đơn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí như nguyên đơn. Thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ được tính lại kể từ ngày bị đơn nộp tạm ứng án phí hoặc trong trường hợp bị đơn được miễn án phí thì tính từ ngày Toà án nhận được đơn phản tố. Bên cạnh những yếu tố về trình tự, thủ tục thì hậu quả pháp lý cũng thay đổi cơ bản nếu như bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố. Cụ thể, thay vì trước kia bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh cho ý kiến của mình thì bây giờ bị đơn phải chủ động trong việc chứng minh yêu cầu phản tố của mình. Khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, nếu bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố thì Thẩm phán sẽ đình chỉ giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, nếu như bị đơn đã đưa ra yêu cầu phản tố thì vai trò của các bên sẽ thay đổi, bị đơn sẽ trở thành nguyên đơn và ngược lại, nguyên đơn lại trở thành bị đơn, vụ án vẫn tiếp tục được giải quyết.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.

-HN-

MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI

HOTLINE: 03.2518.2518

FB: LUATSUTHANHDAT

ZALO: 03.2518.2518

TRỤ SỞ: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KHU ĐÔ THỊ LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.

 

Gửi yêu cầu tới chúng tôi
Tên khách hàng
Địa chỉ
Điện thoại
Email
Nội dung yêu cầu
Security Code*
    

Các thông tin khác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  ... 
Tìm kiếm