Ngày nay, việc các cá nhân góp chung công sức để mua đất là chuyện khá phổ biến. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã gây ra nhiều tranh chấp lớn về quyền của mỗi cá nhân đối với miếng đất đó. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?
Ngày nay, việc các cá nhân góp chung công sức để mua đất là chuyện khá phổ biến. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã gây ra nhiều tranh chấp lớn về quyền của mỗi cá nhân đối với miếng đất đó. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này? Bài viết dưới đây Luật Vì Chân Lý sẽ đưa ra một số giải đáp về vấn đề này như sau.
1. Đất đồng sở hữu được hiểu như thế nào?
Tại Hiến pháp và Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất không có "quyền sở hữu" đất đai mà chỉ có “quyền sử dụng đất”. Do vậy, việc gọi “Đất đồng sở hữu” chỉ là cách gọi phổ biến của người dân dùng để chỉ đất có nhiều cá nhân cùng chung quyền sử dụng đất
Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân, tùy vào từng thời kỳ mà Sổ đỏ, Sổ hồng có tên gọi pháp lý khác nhau bởi vậy chúng có giá trị pháp lý là như nhau. Từ ngày 10/12/2009 đến nay, khi đủ điều kiện thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Cấp sổ đỏ đối với đất đồng sở hữu.
Căn cứ Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 thì:
“2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”
Do vậy, chỉ khi các bên có chung quyền sử dụng đất có yêu cầu cấp chung giấy chứng nhận thì văn phòng đăng ký đất đai sẽ cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Trường hợp không có yêu cầu thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được cấp riêng cho mỗi người một giấy chứng nhận.
3. Sang tên sổ đỏ đất đồng sở hữu.
Căn cứ Khoản 2 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì:
“Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.”
Theo đó, đối với đất mà có chung quyền sở hữu thì khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cần phải có sự đồng ý của tất cả người chung quyền sử dụng đất đó.
Trường hợp mà chỉ một hoặc một số thành viên muốn chuyển nhượng, tặng cho thì người có nhu cầu chuyển nhượng phải đề nghị tách thửa (tách phần đất của mình tương ứng với phần quyền sử dụng đất của mình), sau đó chuyển nhượng riêng phần quyền sử dụng đất được tách với điều kiện thửa đất đủ điều kiện tách thửa theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Việc này căn cứ tại Điểm b Khoản 2 Điều 167 Luật Đất đai 2013 như sau:
“Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.”
-NT-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 19002120
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO : 03.2518.2518
TRỤ SỞ: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KHU ĐÔ THỊ LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.
CS2: CHÙA HÀ, VĨNH YÊN, VĨNH PHÚC
XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN