HÀNH VI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Đột nhập, khám xét, chiếm giữ trái phép chỗ ở của người khác là hành vi trái pháp luật đã được quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác bị xử lý như thế nào? Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp hành vi vi pháp luật nghiêm trọng còn có thể xử lý hình sự theo quy định của Pháp luật. Cùng tìm hiểu về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác qua bài viết dưới đây!

Chỗ ở là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật cư trú 2020, “chỗ ở hợp pháp” là nơi được sử dụng để sinh sống, thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của công dân, bao gồm: nhà ở, tàu, thuyền, phương tiện khác có khả năng di chuyển hoặc chỗ ở khác theo quy định của Pháp luật.

Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân

Quyền bất khả xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 22 Hiến pháp 2013 như sau:

“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”.

Căn cứ pháp lý

Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Cấu thành tội phạm

Về chủ thể

Người thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là bất kỳ ai từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Đối với tội phạm này, khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù (tội phạm nghiêm trọng) nên người dưới từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Tìm hiểu thêm về:

ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

PHÂN LOẠI TỘI PHẠM

NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Về mặt chủ quan

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, nhìn thấy trước hậu quả nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.

Về mặt khách thể

Tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được Hiến pháp bảo vệ (Điều 22 Hiến pháp 2013).

Về mặt khách quan

Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác trái pháp luật. Cụ thể có 4 hành vi chính như sau:

- Hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác:

Khám xét trái pháp luật là hoạt động khám xét nơi ở của người khác trái với quy định tại Điều 192, Điều 193, Điều 195 BLTTHS 2015. Điều 192 BLHTTS 2015 quy định về căn cứ khám xét chỗ ở như sau:

+ Việc khám xét chỗ ở chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án;

+ Việc khám xét chỗ ở cũng được tiến hành khi phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

- Hành vi đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ:

Đây là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng các thủ đoạn khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở trái với ý chí của người đó.

Ngoại trừ trường hợp cơ quan chức năng thực hiện các quyết định về cưỡng chế, thu hồi,… theo quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Hành vi chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ:

Đây là hành vi dùng mọi thủ đoạn để chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ.

Ví dụ: Tự ý mang đồ đạc, dọn vào chỗ ở của người khác; vứt đồ đạc của người khác trong chỗ ở ra ngoài; ngăn cản không cho người đang ở hoặc quản lý chỗ ở được vào chỗ ở đó…

- Hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác:

Hành vi tự ý xâm nhập vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý hay cho phép của người đó (Ví dụ: Đột nhập vào chỗ ở của người khác…).

Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác bị xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính

Pháp luật hiện hành chưa quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, vì nhà ở cũng là tài sản của công dân nên hành vi chiếm giữ trái phép tài sản tương tự với hành vi được mô tả tại khoản 1 Điều 158 BLHS được quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;

b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.”.

Trường hợp người có hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ được quy định tại Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

“Điều 59. Hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.”.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 158 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

MẪU ĐƠN TỐ GIÁC TỘI PHẠM TỘI XÂM PHẠM CHỖ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.


Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS

Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:

FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85

hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com

📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly

📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis

Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi: 


📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai.
Gửi yêu cầu tới chúng tôi
Tên khách hàng
Địa chỉ
Điện thoại
Email
Nội dung yêu cầu
Security Code*
    

Các thông tin khác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  ... 
Tìm kiếm