NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI

Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, vấn đề trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi được quy định trong Chương XII – Phần Chung. Trong đó quy định về các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội; các biện pháp xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; vấn đề hình phạt, quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và các vấn đề liên quan khác…

 

Khái niệm người phạm tội dưới 18 tuổi

Tội phạm

Khái niệm tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”.

Người phạm tội dưới 18 tuổi

Điều 90 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định như sau:

“Điều 90. Áp dụng Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.”

và Điều 12 quy định về ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ như sau:

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.

Vậy, trường hợp người phạm tội nhỏ hơn 14 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, người phạm tội dưới 18 tuổi là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện các hành vi vi phạm Pháp luật (tội phạm) quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành.

Nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội dưới 18 tuổi

Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

Nguyên tắc thứ nhất: Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho nhóm đối tượng này và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đây là nguyên tắc mang tính xuyên suốt trong quá trình xử lý người phạm tội dưới 18 tuổi. Việc xử lý những đối tượng này trong mọi trường hợp đều phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ và chỉ nhằm mục đích giáo dục, giúp người phạm tội nhận ra và sửa chữa sai lầm.

Nguyên tắc thứ hai: Việc xử lý người phạm tội dưới 18 tuổi cần phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà họ đã thực hiện, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

Các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trong giai đoạn điều tra hay khi truy tố, xét xử phải xác định chính xác độ tuổi của người phạm tội dưới 18 tuổi. Bởi, tùy từng độ tuổi của người phạm tội khi thực hiện hành vi mà khả năng nhận thức của họ cũng khác nhau, tuổi càng ít thì khả năng nhận thức về mức độ nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế.

CÁCH XÁC ĐỊNH TUỔI CỦA NGƯỜI PHẠM TỘI DƯỚI 18 TUỔI

Bên cạnh đó, khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người phạm tội dưới 18 tuổi thực hiện cũng là 1 yếu tố quan trọng trong việc xử lý những đối tượng này.

Ví dụ: Người dưới 18 tuổi phạm tội sinh sống ở thành phố có nhận thức về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đã thực hiện khác với nhận thức của người dưới 18 tuổi phạm tội sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn…

Nguyên tắc thứ ba: Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của BLHS, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại:

+ Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

+ Điều 141. Tội hiếp dâm;

+ Điều 171. Tội cướp giật tài sản;

+ Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy;

+ Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy;

+ Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy;

+ Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy;

+ Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại:

+ Điều 123. Tội giết người ;

+ Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

+ Điều 141. Tội hiếp dâm;

+ Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi;

+ Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi;

+ Điều 150. Tội mua bán người;

+ Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi;

+ Điều 168. Tội cướp tài sản;

+ Điều 171. Tội cướp giật tài sản;

+ Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy;

+ Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy;

+ Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy;

+ Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy;

+ Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy.

- Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Trong đó, Điều 29 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về các trường hợp được miễn hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự đối với bất cứ người nào mà không phân biệt người dưới 18 tuổi hay đã trên 18 tuổi.

Nguyên tắc thứ tư: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.

Người dưới 18 tuổi là chủ thể đặc biệt của Pháp luật nói chung và Pháp luật Hình sự nói riêng, nên trường hợp những người này phạm 1 tội danh nghiêm trọng nhất định thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi truy cứu trách nhiệm cần phải xem xét về nhân thân, bởi nhân thân xấu sẽ tác động đến nhận thức làm ảnh hưởng đến hành vi của người dưới 18 tuổi phạm tội. Từ đó áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm phù hợp.

Nguyên tắc thứ năm: Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa tội phạm.

Như vậy, trước khi Tòa án áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi thì Tòa án sẽ ưu tiên áp dụng các biện pháp không phải là hình phạt, mang tính giáo dục và gần như không mang tính cưỡng chế với người phạm tội dưới 18 tuổi.

Nguyên tắc thứ sáu: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội dưới 18 tuổi.

Nguyên tắc thứ bảy: Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp họ đã bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn.

Nguyên tắc thứ tám: Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.

Các hình phạt được áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội

Theo quy định của BLHS Việt Nam hiện hành, Tòa án chỉ được ra quyết định áp dụng 1 trong 4 hình phạt sau đây đối với người phạm tội dưới 18 tuổi:

Phạt cảnh cáo;

Phạt tiền:

Theo Điều 99 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá ½ mức tiền phạt mà Điều luật quy định.

Cải tạo không giam giữ:

Theo Điều 100 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), cải tạo không giam giữ là hình phạt được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.

Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không khấu trừ thu nhập của người đó.

Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá ½ thời hạn mà Điều luật quy định.

Tù có thời hạn:

Điều 101 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi:

+ Nếu áp dụng Điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù;

+ Nếu áp dụng mức phạt tù có thời hạn thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá ¾ mức phạt tù mà Điều luật quy định.

- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:

+ Nếu áp dụng Điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù;

+ Nếu là tù có thời hạn thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá ½ mức phạt tù mà Điều luật quy định.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.


Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS

Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:

FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85

hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com

📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly

📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis

Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi: 

📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai.

Gửi yêu cầu tới chúng tôi
Tên khách hàng  
Địa chỉ
Điện thoại  
Email    
Nội dung yêu cầu 
Security Code*
    

Các thông tin khác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  ... 
Tìm kiếm