Khi một bên trong hôn nhân đang phải chấp hành hình phạt tù, câu hỏi liệu người còn lại có quyền yêu cầu ly hôn hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể về quyền ly hôn trong trường hợp này? Liệu rằng chồng đang đi tù có được ly hôn? Nếu được thì ly hôn tại đâu? Thủ tục, giấy tờ thế nào? Sau đây luật vì chân lý themis sẽ tư vấn và giải đáp thắc mắc.
Chồng đang đi tù có được phép ly hôn?
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu của vợ khi người vợ yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, được giải thích như sau:
- “hành vi bạo lực gia đình” là những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
- “Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kia.
Ví dụ: Vợ, chồng phá tán tài sản gia đình.
- “Hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng;
+ Vợ, chồng có quan hệ ngoại tình;
+ Vợ, chồng xúc phạm nhau, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, tổn thất về tinh thần hoặc gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của nhau;
+ Không bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển.
Theo đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình không có quy định nào cấm người vợ hoặc chồng ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù. Trường hợp người chồng đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án tù thì người vợ hoàn toàn có thể nộp đơn ly hôn. Người vợ có thể yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn đơn phương hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Thủ tục ly hôn khi chồng đang đi tù
Để có thể yêu cầu Toà án ly hôn đơn phương với chồng đang ngồi tù, người vợ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ bao gồm:
- Đơn xin ly hôn đơn phương (Theo nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP hoặc mẫu đơn xin ly hôn)
- Bản sao công chứng CCCD còn hiệu lực của nguyên đơn
- Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con chung)
- Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Bản sao tài sản chung yêu cầu phân chia khi ly hôn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người vợ phải nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện - nơi có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn đơn phương. Ngoài ra, theo Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) của người bị yêu cầu ly hôn sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Như vậy, trong trường hợp chồng đang đi tù, người vợ có thể gửi đơn xin ly hôn đơn phương đến Tòa án nơi người chồng đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc Tòa án nơi cư trú trước đây của người chồng.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Toà án chấp nhận giải quyết ly hôn thì Toà án sẽ liên hệ với trại giam nơi mà người chồng đang chấp hành hình phạt tù để lấy ý kiến và hoà giải. Nếu cả hai bên không tiến hành hoà giải được thì Toà án sẽ mở phiên toà để giải quyết ly hôn đơn phương theo đúng quy định và do bên người chồng đang chấp hành hình phạt tù sẽ vắng mặt và không thể uỷ quyền cho người khác để thực hiện thủ tục này. Do đó, Toà án sẽ giải quyết ly hôn vắng mặt.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
-TT-
MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI
HOTLINE: 19006196
FB: LUATSUTHANHDAT
ZALO: 03.2518.2518
CS1: PHÒNG 201, SỐ 170 TRẦN DUY HƯNG, P.TRUNG HOÀ, Q.CẦU GIẤY, TP HÀ NỘI
CS2: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KĐT LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI