Phạm tội chưa đạt là trường hợp tội phạm chưa được hoàn thành do lý do khách quan bên ngoài. Cụ thể phạm tội chưa đạt là gì? và trường hợp phạm tội chưa đạt có bị truy cứu trách nhiệm không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây cùng Luật Vì Chân Lý THEMIS nhé!
Phạm tội chưa đạt là gì?
Khái niệm
Theo quy định tại Điều 15 BLHS 2015, phạm tội chưa đạt được hiểu là việc người phạm tội cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Phân tích
- Thời điểm xác định hành vi phạm tội chưa đạt: Người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm hoặc hành vi ngay liền trước nhưng hành vi của người phạm tội bị dừng lại khi chưa thỏa mãn hết các yếu tố cấu thành tội phạm này.
- Nguyên nhân của phạm tội chưa đạt: Hành vi phạm tội dừng lại phải là do nguyên nhân khác quan, không phải đến từ ý muốn của người phạm tội.
Tìm hiểu thêm về CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH TỘI PHẠM
Phân loại phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành
Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp vì những lý do khách quan mà người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm nên hậu quả không xảy ra trên thực tế.
Ví dụ: A cầm dao định đâm lén B nhưng C phát hiện ra và ngăn cản được hành động của A.
Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành
Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm để gây ra hậu quả nhưng vì nguyên nhân khách quan mà hậu quả đó không xảy ra trên thực tế.
Ví dụ: A đâm B 3 nhát dao. Sau đó thấy B nằm bất động, A nghĩ B đã chết nên bỏ đi. B được người dân xung quanh đưa đi cấp cứu kịp thời và giữ được tính mạng.
Phạm tội chưa đạt có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 15 BLHS 2015, người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt mà họ đã có ý định thực hiện nhưng không thành.
Hình phạt đối với trường hợp phạm tội chưa đạt
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 57 BLHS 2015, người phạm tội chưa đạt phải chịu hình phạt theo các Điều luật của BLHS về các tội phạm tương ứng, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và mức độ thực hiện ý định phạm tội cùng những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Trường hợp Điều luật quy định hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt không quá ¾ mức phạt tù mà Điều luật này quy định.
Nếu Điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm.
Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt bị xử lý như thế nào?
Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 102 BLHS 2015. Cụ thể như sau:
- Tòa án quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 57 BLHS như chúng tôi vừa phân tích.
- Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không được quá 1/3 mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 100 và Điều 101 của BLHS.
- Mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá ½ mức phạt quy định tại Điều 99, Điều 100 và Điều 101 của BLHS.
Theo đó, Điều 99, Điều 100 và Điều 101 BLHS 2015 quy định về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi như sau:
- Điều 99 BLHS 2015:
“Điều 99. Phạt tiền
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà Điều luật quy định.”
- Điều 100 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
“Điều 100. Cải tạo không giam giữ
1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà Điều luật quy định.”
- Điều 101 BLHS 2015:
“Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu Điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà Điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu Điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà Điều luật quy định.”
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Vì Chân Lý Themis gửi tới quý khách hàng. Mong rằng nội dung trên sẽ giúp ích được cho quý khách hàng. Nếu quý khách hàng còn vướng mắc cần giải đáp vui lòng liên hệ cho Luật Vì Chân Lý Themis theo thông tin dưới đây.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT VÌ CHÂN LÝ THEMIS
Điện thoại yêu cầu dịch vụ hoặc tư vấn luật: 0988 265 333/1900 6196
Tư vấn miễn phí qua:
FB: https://www.facebook.com/luatsuthanhdat85
hoặc zalo 03 2518 2518 hoặc mail: vichanlylawfirm@gmail.com
📌Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatvichanly
📌Youtube: https://www.youtube.com/@Vichanlythemis
Tham gia cộng đồng hơn 60.000 người của chúng tôi:
📌 https://www.facebook.com/groups/congdongluatsudatdai.