Vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế với đương sự đang ở nước ngoài” Phần II

 

LÝ LUẬN PHÁP LÝ ĐẾN THỰC TIỄN XÉT XỬ!

Vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế với đương sự đang ở nước ngoài

PHẦN II. Quá trình nghiên cứu, đánh giá vụ việc của khách hàng.

         Sau khi tiếp nhận hồ sơ của khách hàng, chúng tôi đã nghiên cứu và có những nhận định ban đầu đây là quan hệ tranh chấp về thừa kế tài sản. Tuy nhiên,  năm 2003 cụ U được UBND Thành phố Hạ Long cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2011 cụ U ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho ông H có công chứng và đăng ký biến động sang tên ông H toàn bộ quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở nên sau đó chúng tôi đã bổ sung đơn khởi kiện hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông H mà UBND thành phố Hạ Long đã cấp và yêu cầu hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ U và ông H. Cụ thể quá trình nghiên cứu, đánh giá như sau:

I.      Về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế:

         Theo tình huống ở Phần I chúng tôi đã nêu, cụ P chết năm 1993, cụ U chết năm 2012. Căn cứ theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

"Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”

         Do vậy theo quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Nên ngày 04/08/2017 nguyên đơn ông T đã khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ P và cụ U được xác định là vẫn còn thời hiệu.

II.   Về hàng thừa kế:

         Cụ P và cụ U có 5 người con là các bà: ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị M, ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Văn C.

         Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 về những người thừa kế theo pháp luật:

“1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:

a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.”

          Căn cứ vào quy định trên xác định những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ P và cụ U bao gồm: ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị M, ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Văn C (Bố mẹ của cụ U và cụ P đã chết trước đó rất nhiều năm).

         Đối với việc xác định hàng thừa kế của cụ P là rất quan trọng, việc xác định sai, xác định thiếu người thừa kế của cụ P sẽ ảnh hưởng tới quá trình giải quyết vụ án và kết quả giải quyết của Tòa án. Nên các đương sự cũng như Tòa án cần phải xác minh đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến những người thuộc hàng thừa kế của cụ P  khi giải quyết vụ án trên.

III.         Xác định di sản thừa kế của cụ P và cụ U.

         Căn cứ lời khai của các đương sự là các con của cụ P và cụ U và hồ sơ trong quá trình giải quyết vụ án, chúng tôi nhận định sinh thời khi còn sống hai cụ có tạo dựng một ngôi nhà 05 tầng xây dựng trên diện tích đất 40m2 tại thửa đất X, tờ bản đồ Y, địa chỉ tại Phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Về nguồn gốc đất, hai cụ được giao từ năm 1979. Năm 1987, UBND Thị xã Hồng Gai (nay là UBND thành phố Hạ Long) cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở mang tên cụ P và cụ U. Năm 1993, cụ P mất không có di chúc để lại, năm 2002 cụ U tháo dỡ và xây dựng ngôi nhà 05 tầng và sinh sống tại đây. Đến ngày 20/12/2012 cụ U chết không để lại di chúc.

         Căn cứ Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: “Khi một bên chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi. Phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau”.

         Căn cứ tại Điều 4 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định về di sản như sau:

         “1- Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung của người khác, quyền về tài sản do người chết để lại.

Tài sản gồm có tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, các thu nhập hợp pháp.

         2- Trong trường hợp vợ hoặc chồng chết thì một nửa tài sản chung của vợ chồng thuộc về di sản của người chết.”

         Như vậy, sau khi cụ P chết thì một nửa nhà đất nêu trên là di sản của cụ P, chưa được phân chia nên được xác định là tài sản chung theo phần của các đồng thừa kế của cụ P (gồm cụ U và 05 người con). Xác định di sản thừa kế của cụ P là ½ quyền sử dụng đất diện tích 40m (về tài sản trên đất thì chưa xác định được). Di sản thừa kế của cụ U là ½ quyền sử dụng đất của 40m2 và 01 kỷ phần của cụ U được chia thừa kế của cụ P và ngôi nhà 05 tầng cụ U xây dựng sau khi cụ P chết.

         Trong quá trình thu thập, xác minh hồ sơ, tài liệu chúng tôi có liên hệ với UBND phường Bạch Đằng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Hạ Long và Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long đề nghị cung cấp hồ sơ tài liệu có liên quan đến nguồn gốc đất, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ P và cụ U năm 1987, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ U năm 2003 và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ cụ U cho ông H, hồ sơ đăng ký biến động đứng tên ông H. Tuy nhiên, vì có những hồ sơ được lập từ lâu nên các cơ quan không còn lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ, do vậy quá trình đánh giá chứng cứ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

         Ở phần tiếp theo chúng tôi sẽ đánh giá quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ U vào năm 2003.

-HL-

MỌI THẮC MẮC KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI

HOTLINE: 19002120

FB: LUATSUTHANHDAT

ZALO : 03.2518.2518

TRỤ SỞ: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KHU ĐÔ THỊ LINH ĐÀM, NGUYỄN HỮU THỌ, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.

CS2: CHÙA HÀ, VĨNH YÊN, VĨNH PHÚC

 

Gửi yêu cầu tới chúng tôi
Tên khách hàng
Địa chỉ
Điện thoại
Email
Nội dung yêu cầu
Security Code*
    

Các thông tin khác

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10  ... 
Tìm kiếm